Sony Walkman tròn 45 tuổi: Vẫn là thiết bị công nghệ biểu tượng của mọi thời đại

Giờ nếu đưa một cuộn băng cassette cho một thanh niên khoảng hơn 20 tuổi và hỏi đó là cái gì, khả năng cao là họ không biết, nếu không chơi đồ âm thanh. Nhưng ngày hôm nay, chiếc máy TPS-L2 của Sony tròn 45 tuổi, có lẽ cũng cần khẳng định, cuộn băng cassette và những chiếc máy nhỏ xinh có thể bỏ túi cho người yêu âm nhạc chính là thiết bị công nghệ mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại.
Những cuộn băng cassette đã có từ đầu thập niên 1960, được Philips phát triển để trở thành một giải pháp thay thế tiện dụng và gọn gàng của những format nhạc analog phổ biến thời bấy giờ, như đĩa nhựa vinyl và băng cối. Nhưng phải hơn gần 2 thập kỷ sau đó, đến năm 1979, khi Sony ra mắt chiếc máy nhựa hình chữ nhật nhỏ xíu (theo tiêu chuẩn thiết bị thời bấy giờ), những cuộn băng cassette mới bùng nổ về độ phủ trên thị trường tiêu dùng.
Sự hiện diện của Walkman đồng nghĩa với việc con người khi ấy chẳng cần phải ngồi ở nhà hay phải ngồi trong xe hơi để mở radio thưởng thức những bản nhạc phát trên radio, được DJ của các đài tuyển chọn thay vì được lựa chọn theo ý muốn của bản thân. Rồi đến thời điểm hiện tại, 45 năm sau, ý tưởng nghe nhạc mọi lúc mọi nơi, theo đúng sở thích của mỗi người chính là nền tảng cho những playlist nhạc số trong Spotify hay Apple Music.
139997.jpg
Chiếc máy Walkman thực sự không chỉ thay đổi cách con người thưởng thức âm nhạc theo khía cạnh thực dụng và tiện dụng nhất, mà còn cho phép biến những nơi công cộng trở thành không gian riêng với cặp tai nghe. Ừ thì cũng phải thừa nhận rằng, công nghệ âm thanh thời đó không thể sánh được với những thuật toán, microphone ghi âm tiếng ồn bên ngoài rồi đảo ngược sóng âm để tạo thành tính năng chống ồn chủ động như ngày hôm nay.
Nhưng mở âm lượng đủ lớn, con người khi ấy hoàn toàn có thể ngắt hết mọi tiếng ồn bên ngoài để chìm đắm trong âm nhạc. Giờ đây vào một quán cafe, thấy những người ngồi thưởng thức một mình, khả năng cao là họ cũng đang đeo tai nghe để lọc hết những câu chuyện hay tiếng ồn của người khác xung quanh.
Mà điều không nhiều người biết, chiếc máy Walkman đầu tiên, TPS-L2 khi ra mắt có hẳn hai cổng 3.5mm để cắm tai nghe, hai người cùng có thể thưởng thức một bản nhạc cùng một lúc. Nhưng kỳ thực cũng chẳng mấy ai sử dụng hết tính năng này, vì khi ấy, cầm chiếc Walkman lên đeo tai nghe và ấn nút Play trên máy, không ai muốn làm phiền nhau nữa.139986.jpg
Một tính năng rất hay nữa của chiếc máy 45 tuổi, chính là nút bấm để kich hoạt microphone, không phải để ghi đè lên cuộn băng cassette có chứa âm nhạc bên trong, mà là để nó thu âm những âm thanh bên ngoài nếu cần nghe bạn bè hay người xung quanh trò chuyện. Nó vô cùng giống những tính năng sound transparency trên những cặp tai nghe Bluetooth hiện đại của ngày hôm nay. Nhưng tính năng này sau đó cũng biến mất trên những phiên bản Walkman ra mắt sau này, vì mọi người mua máy nghe nhạc để ngắt những tiếng ồn xung quanh và để được thưởng thức những bản nhạc họ yêu mến.
Với Walkman và mấy cuộn băng cassette, bỗng nhiên người ta được tự chọn cả một playlist âm nhạc riêng cho bản thân. Ở một khía cạnh có phần đa sầu đa cảm hơn, thì việc được chọn đúng những bản nhạc yêu thích, ghép với khung cảnh cuộc sống hàng ngày, có thể bật chúng lên mọi lúc mọi nơi thực sự là thứ thay đổi ý nghĩa của âm nhạc và công nghệ âm thanh với cuộc sống con người.
Rồi dần dần, ở khía cạnh kỹ thuật, Sony đã làm được một việc, sau này đó chính là thương hiệu trứ danh chứng minh đẳng cấp phát triển sản phẩm của tập đoàn điện tử Nhật Bản. Việc đó chính là thu gọn kích thước thiết bị và hoàn thiện chất lượng sản phẩm. Đến năm 1983, họ có một chiếc Walkman với kích thước đúng bằng một chiếc vỏ nhựa bảo vệ những cuộn băng cassette:

Và đến năm 1984, một sản phẩm cũng mang tính biểu tượng khác trong dòng sản phẩm Walkman đã được ra mắt: WM-F5, chiếc máy được trang bị lớp vỏ bền bỉ chống nước mưa hắt vào, và một cặp tai nghe in ear dạng earbud. Trước khi WM-F5 ra mắt, mọi chiếc Walkman đều được trang bị tai nghe chùm đầu dạng supra-aural, tức là đệm tai nghe đè lên vành tai. Với chiếc máy màu vàng sáng chói này, thị trường những người yêu âm nhạc và thể thao lại được Sony chinh phục.
372d0fbfd903d04153fae95ec9f99c7f.jpg
Cũng chính là WM-F5 với màu vàng ấy đã đóng góp phần lớn vào một khía cạnh của thế giới thiết bị công nghệ sau này: Tính thời trang.
Những chiếc máy Walkman có lẽ chính là những sản phẩm điện tử công nghệ đầu tiên tập trung cả vào công năng lẫn thẩm mỹ. So sánh với những chiếc máy nghe băng cassette bỏ túi của các hãng Nhật Bản khác, hồi đó sở hữu Sony Walkman là một phong cách hoàn toàn khác. Và Sony cũng thành công trong việc biến Walkman trở thành một sản phẩm lifestyle đúng nghĩa, dù về sau, đĩa CD thay thế cho băng cassette, và rồi sau này là mp3 thay thế đĩa CD, hay nhạc số trực tuyến thay thế cho những file mp3 tải về và cài vào máy nghe nhạc.
History-of-the-Walkman-(31011129456).jpg
Thương hiệu và chính bản thân những chiếc máy Walkman có sức hút mạnh tới mức, nó không chỉ thay đổi cả một ngành thiết bị công nghệ phục vụ thưởng thức âm nhạc, mà còn thay đổi được cả xu hướng format lưu trữ vật lý. Đến thời kỳ đĩa CD phát triển, Sony chuyển qua thương hiệu Discman để phân biệt với Walkman lắp băng cassette, nhưng họ sớm nhận ra rằng, format lưu trữ như thế nào không quan trọng, mà cái tên Walkman đã có giá trị quá lớn đối với nhiều thế hệ người dùng.Theo TechRadar

Nguồn: Tinhte.vn