Các đời vua Trung Quốc ăn gì bên trong Tử Cấm Thành: tinh hoàn hổ, trà sữa, lẩu,…

Tử Cấm Thành từng là thành trì bí mật nhất hành tinh, nơi sinh sống của nhiều thế hệ vua Trung Quốc. Bên trong cung điện, bao quanh bởi những bức tường thành cao vút là cả một xã hội thu nhỏ, một cuộc sống xa hoa và những bí mật mà đến ngày nay vẫn chưa thể khám phá hết. Mặc dù đã mở cửa với thế giới, nhưng vẫn có nhiều khía cạnh của cuộc sống cung đình vẫn còn chưa được hé lộ.
Một trong những lĩnh vực ít được biết đến chính là ẩm thực trong Tử Cấm Thành – “Bản thân văn hoá ẩm thực phản ánh rất nhiều về bản sắc của một cá nhân, cả địa vị, quyền lực cũng như sở thích và các mối quan hệ của họ nữa”.
Đã nhiều thập kỷ sau sự sụp đổ của thời phong kiến Trung Quốc, các nhà sử học vẫn tiếp tục tìm hiểu về bữa ăn của gia đình hoàng tộc khi xưa. Dù vậy, không có nhiều người biết rõ về chế độ ăn của giới quyền lực nhất Trung Quốc khi xưa, đặc biệt là hầu hết các tài liệu cổ có thông tin về chủ đề này đều đã bị niêm phong.
tu-cam-thanh-18.jpg
Zhao RongGuang, hiện đã 76 tuổi, là một trong số ít các nhà sử học được tiếp cận nghiên cứu trước khi tài liệu bị niêm phong. Ông bắt đầu nghiên cứu về lĩnh vực này từ hơn 4 thập kỷ trước. Và đó không phải là một chuyện dễ dàng khi phải đối mặt với 2 trở lại lớn nhất. Đầu tiên, những bí mật bên trong cung điện rất ít khi được tiết lộ cho những người ngoài. Điểm thứ 2 là ẩm thực vốn không phải là chủ đề nghiêm túc, đáng để nghiên cứu ở Trung Quốc. Vì thế tài liệu về thức ăn trong cung điện cũng rất khan hiếm.
Dù vậy ông vẫn kiên trì tìm tòi trong Kho lưu trữ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc ở Tây Hoa Môn, nơi lưu trữ các tài liệu cung đình hàng thế kỷ. Dần dần, ông cũng xây dựng được bức tranh tổng thể về ẩm thực bên trong Tử Cấm Thành.

Vua Khang Hy: Tinh hoàn hổ, mào gà


Zhao RongGuang cho biết mọi chuyện bắt đầu từ vua Khang Hy thời nhà Thanh, năm 1661 đến 1722. Dưới sự cai trị của ông, đất nước bước vào thời kỳ tương đối hoà bình sau nhiều thập kỷ giao tranh giữa các triều đại. Điều này dẫn đến một số sự thay đổi trong thực đơn của những người sống bên trong Tử Cấm Thành.
tu-cam-thanh-20.jpg
Vì Khang Hy là người Mãn Châu, nên một số món ăn truyền thống ở vùng Đông Bắc cũng du nhập vào. Ngoài ra, “trên bàn tiệc của vua Khang Hy có nhiều món thịt nướng và một số món ăn lạ như tinh hoàn hổ”. Zhao RongGuang giải thích ngày xưa, người Trung Quốc tin rằng tinh hoàn của hổ có tác dụng tăng cường ham muốn tình dục. Ông tin rằng Khang Hy đã tiêu thụ món này rất nhiều bởi có ghi chép chính thức rằng vị vua này đã săn hơn 60 con hổ trong đời. Bên cạnh tinh hoàn hổ, mào gà cũng xuất hiện trên bàn ăn với mục đích tương tự.
tu-cam-thanh-27.jpgTác phẩm nghệ thuật của Hà Lan về bữa tiệc hoành tráng tiếp đón sứ thần Hà Lan tại Tử Cấm Thành năm 1667
Đến khi xã hội ổn định hơn dưới thời cai trị của Khang Hy, nhiều món ăn của dân tộc Hán cũng xuất hiện trong thực đơn hàng ngày, chẳng hạn như món mề vịt hầm.

Vua Càn Long: trà sữa và lẩu

Chủ đề ẩm thực bên trong Tử Cấm Thành càng trở nên chi tiết hơn trong thời của vua Càn Long. Trong gần 61 năm trị vì (1735-1796), Càn Long đã cho người ghi chép lại tỉ mỉ các bữa ăn hàng ngày trong cung. Những thông tin này giúp các nhà sử học có thể hiểu rõ hơn về lối sống trong cung điện lúc bấy giờ.tu-cam-thanh-17.jpg
Mặc dù vua Càn Long đã cho người ghi chép lại thực đơn hàng ngày của ông nhưng việc nghiên cứu lịch sử ẩm thực trong hoàng cung vẫn là một thách thức vì phần lớn các tài liệu vẫn được niêm phong và chưa được tiết lộ rộng rãi cho các nhà nghiên cứu.
Tại Bảo Tàng Cố Cung Hong Kong, một cuộc triển lãm đang diễn ra với chủ đề “Từ bình minh đến hoàng hôn: cuộc sống bên trong Tử Cấm Thành”. Nội dung của sự kiện dựa trên cuộc sống hàng ngày của vua Càn Long, bao gồm cả các bữa ăn.
tu-cam-thanh-22.jpg
Trong số các vật trưng bày tại triển lãm, có một ấm trà sữa bằng bạc có niên đại từ TK 18 hoặc 19, ấm trà được chạm khắc cầu kỳ với hình rồng mạ vàng. Điều này cho thấy rằng trà sữa vốn là loại đồ uống được yêu thích trong chế độ ăn uống của triều đình thời nhà Thanh.
tu-cam-thanh-19.jpg
“Người ta sẽ thêm sữa, bơ và muối vào trà. Sau đó họ sẽ lọc lá trà ra và phục vụ trà trong loại ấm bằng bạc này.” Đây vốn là món đồ uống truyền thống của người Mãn Châu.
Ngay cả khi Càn Long vi hành đến vùng Giang Nam (ngày nay là Hàng Châu và Thượng Hải), ông cũng thuê một bậc thầy trong việc pha trà sữa để phục vụ cho phái đoàn mỗi ngày.
tu-cam-thanh-24.jpg
Bên cạnh đó từ những bức tranh vẽ, người ta cũng có thể thấy được sự hiện diện của món lẩu trong các bữa ăn hoàng cung. “Một trong những cung nữ cho biết rằng trong 3 tháng mùa đông, hầu như ngày nào cũng có món lẩu. Đó là một món ăn phổ biến.”
Thực đơn thường sẽ được trình lên vua vào đêm hôm trước để phê duyệt. Mặc dù phần lớn các món sẽ dựa theo sự yêu thích của vua, nhưng thực đơn không chỉ dựa trên sở thích. Bởi ẩm thực cung điện rất đa dạng, với các món ăn Mãn Châu truyền thống như hươu sao nướng, cũng như các món ăn miền Nam, đặc biệt là vùng Giang Nam.
tu-cam-thanh-25.jpg
Vịt om hun khói, măng xào thịt lợn và tổ yến chưng đường phèn là một số món ăn đến từ vùng Giang Nam xuất hiện rất nhiều trong ghi chép. Vua Càn Long và nhiều quý tộc thời đó tin rằng tổ yến là món ăn cực kỳ bổ dưỡng. Nhiều nhà nghiên cứu còn tin rằng vua Càn Long đã uống một chén mỗi ngày trước giờ ăn sáng.
Căn cứ vào các tài liệu lịch sử, Càn Long ăn hai bữa chính mỗi ngày, bữa sáng thường diễn ra vào khoảng 6 giờ sáng và bữa còn lại lúc 2 giờ chiều. Ngay khi thức dậy lúc 4 giờ sáng, ông thường ăn nhẹ một chén tổ yến. Vào ban đêm lúc 8-9 giờ tối, khi xem tấu chương ông sẽ ăn thêm 1 cử nhẹ gồm 8 đến 10 món ăn nhỏ. Thay vì dùng bữa 1 mình, ở bữa ăn đêm, ông sẽ chọn một phi tần để dùng bữa cùng. Ăn ngon, ngủ ngon và sinh con là một trong những nhiệm vụ của một vị vua.
tu-cam-thanh-26.jpg
Mặc dù là người cai trị đất nước, đồng nghĩa với việc vua Càn Long có thể tiếp cận với những nguyên liệu thực phẩm tốt nhất, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Cả ông Zhao RongGuang và nhiều nhà sử học khác đều đồng ý rằng bữa ăn bên trong Tử Cấm Thành không xa hoa như hầu hết mọi người vẫn nghĩ.
“Phần lớn các vị vua đều lớn lên trong một môi trường có tính kỷ luật cao. Chế độ ăn uống của họ được cho là lành mạnh và đã được nhiều người nghiên cứu cũng như chứng thực trong lịch sử. Một trong những hiểu lầm lớn nhất là mọi người đều nghĩ rằng ‘vua phải ăn cả triệu món, đặc biệt là sau tin đồn về bữa tiệc Mãn – Hán’”. – Nhà sử học tại Bảo tàng Cố cung Hong Kong cho biết.

Bữa tiệc Mãn Hán (Mãn Hán toàn tịch) – sự đánh lừa của truyền thông


Huyền thoại về bữa tiệc Mãn Hán xa hoá thường được coi là ví dụ về cách ăn uống của hoàng gia. Đại tiệc này gắn liền với Từ Hi thái hậu, người đã cai trị Trung Quốc trong gần 50 năm. Và thời Từ Hi thái hậu cũng là giai đoạn cuối cùng trong quá trình nghiên cứu của Zhao RongGuang.
Câu hỏi ở đây là làm sao bữa tiệc Mãn Hán lại trở thành một trong những hiểu lầm lớn nhất của thế giới về ẩm thực Trung Quốc?
tu-cam-thanh-16.jpg
Khi đó, Trung Quốc đang trong thời kì bị cô lập về chính trị và kinh tế sau cuộc nội chiến năm 1949. Tình cờ thay, niềm tự hào ẩm thực dân tộc lại lần bữa bùng lên với Mãn Hán toàn tịch trong một cuộc triển lãm ở thành phố Quảng Châu phía nam Trung Quốc những năm 1950.
“Tại Hội chợ Xuất Nhập khẩu Trung Quốc đầu tiên diễn ra ở Quảng Châu vào năm 1957, một nhà cung cấp đã trưng bày một bữa tiệc thịnh soạn để thu hút các doanh nhân quốc tế. Trong số ít các nước cử đại diện đến, một doanh nhân Nhật Bản đã rất hứng thú và muốn tìm hiểu về bữa tiệc xa hoa này. Khi ấy cũng là lúc mà nền kinh tế Nhật đang phục hồi sau Thế Chiến. Khi vị doanh nhân hỏi nhân viên ở quầy trưng bày, họ cũng không biết nên đã hỏi lại ông chủ, vị chủ này đành hỏi người đầu bếp. Mặc dù không chắc chắn, nhưng người đầu bếp này phải đưa ra một câu trả lời, và ông đã nói đó là bữa tiệc Mãn Hán của các vua Trung Quốc khi xưa”.
tu-cam-thanh-1.jpg
Doanh nhân Nhật Bản đã tỏ ra rất ấn tượng. Và kể từ đó, bữa tiệc Mãn Hán đã trở thành tiêu chuẩn khi nhắc đến các bữa ăn của vua. Ông Zhao cũng cho biết thêm rằng bữa tiệc đó đã trở thành một trong những xu hướng ẩm thực nổi tiếng ở Nhật Bản. Rất nhiều người sành ăn và các nhóm nghiên cứu đã đến Trung Quốc để tìm hiểu về bữa tiệc hoàng gia xa hoa này. Dù trên thực tế, nó không hề tồn tại.
Zhao RongGuang nói thêm “Mặc dù ban đầu Trung Quốc không muốn kiểu hình ảnh như thế về đất nước phổ biến với thế giới, nhưng các nhà hàng ở HongKong (khi đó nằm dưới sự cai trị của Anh) lại coi đây là một cơ hội kinh doanh.”
Năm 1978, một đài truyền hình Nhật Bản đã hợp tác với một nhà hàng HongKong để tái hiện và phát sóng trực tiếp đại tiệc Mãn Hán, bữa ăn hoành tráng được chia thành 4 bữa trong 2 ngày. Chính điều đó lại càng làm hiểu lầm càng thêm sâu sắc, khiến người ta lầm tưởng rằng bữa tiệc của vua phải có 108 món ăn và kéo dài trong 2 ngày.

Vậy những bữa tiệc xa hoa của Từ Hi thái hậu có thật hay không?


Là người nắm giữ quyền lực thực sự sau những vị vua cuối cùng của Trung Quốc, Từ Hi thái hậu nổi tiếng với lối sống rất xa hoa.
tu-cam-thanh-21.jpg
“Đó là thời kỳ xa hoa nhất trong thời nhà Thanh, bữa ăn hàng ngày đã tăng từ 18 đến 23, 25, 28 món khác nhau.”
Từ Hi cũng là một người yêu thích sự giải trí, bà thường xuyên tổ chức các bữa tiệc. Mặc dù không có Mãn Hán toàn tịch nhưng lại có nhiều bữa tiệc hoàng gia khác nhau được tổ chức trong Tử Cấm Thành trong suốt nhiều thế kỷ. Và không một bữa tiệc nào trong số đó có nhiều món ăn như lời đồn.
Trong số đó, “Tăng Hoà Yến” kết hợp giữa Mãn Châu và Hán là bữa tiệc nổi bật nhất. Rất nhiều loại hải sản quý hiếm như vây cá mập, hải sâm, sò điệp khô thường thấy trong ẩm thực người Hán xuất hiện trên bàn tiệc. Những món thịt nướng của người Mãn Châu cũng được Từ Hi rất yêu thích. Nhưng tổng cộng cũng chỉ có 28 món mà thôi, thua xa con số 108 như lời đồn.Theo CNN

Nguồn: Tinhte.vn