Đây là quả tim titanium, có thể giúp bệnh nhân sống sót 8 ngày trước khi được ghép tim mới

Quả tim cơ khí này là sản phẩm của công ty thiết bị y tếBiVACOR của Mỹ. Trái tim, hay đúng hơn là chiếc bơm bằng titanium này có tên TAH, viết tắt tủa Total Artificial Heart, ứng dụng công nghệ truyền dẫn từ tính maglev, chính là cơ chế giúp những đoàn tàu tốc hành hoạt động.
Hồi đầu tháng 7 vừa rồi, quả tim titanium của BiVACOR đã được FDA cấp phép thử nghiệm khẩn cấp cho một bệnh nhân chờ ghép tim. Đây là thử nghiệm lâm sàng thuộc nghiên cứu Early Feasibility Study của cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ, diễn ra tại viện tim Texas. Thử nghiệm lâm sàng đã thành công, khi quả tim cơ khí đã giúp bệnh nhân này sống sót 8 ngày trước khi ca mổ ghép tim được diễn ra.
BiVACOR hiện tại đang kỳ vọng rằng, TAH trong tương lai sẽ trở thành một thiết bị đủ sức thay thế cho cả quả tim của con người về lâu dài, chứ không chỉ vận hành trong vòng hơn 1 tuần như thử nghiệm lâm sàng hồi đầu tháng 7.
TAH được nhà sáng lập BiVACOR, tiến sĩ Daniel Timms cùng các cộng sự nghiên cứu phát triển. Thiết bị cơ khí này phù hợp với mọi độ tuổi và giới tính, miễn là bề mặt diện tích khoang ngực của bệnh nhân lớn hơn 1.4 mét vuông. Với việc ứng dụng công nghệ maglev, TAH chỉ cần một máy bơm duy nhất nhưng đủ tạo ra áp lực lưu thông máu cho toàn cơ thể ngay cả khi con người đang vận động. Máy bơm từ trường này cũng là bộ phận duy nhất chuyển động bên trong quả tim cơ khí, giảm thiểu tối đa khả năng hỏng hóc và trục trặc.
[​IMG]
Chiếc bơm hai chiều bên trong quả tim này có rotor treo cố định bằng từ trường, hai chiều bơm cánh trái và phải bố trí vào hai khoang bơm riêng biệt, tạo ra một cánh quạt ly tâm hai mặt, đẩy máu từ khoang bơm qua lại giữa tuần hoàn phổi và hệ mạch máu. Tim nhân tạo này không có van hoặc buồng tâm thất uốn cong, từ trường sẽ tạo ra luồng chảy bằng cách xoay rotor của bơm. Và vì hệ thống treo bằng từ tính, không có điểm chạm hay tiếp xúc, nên triệt tiêu được bào mòn cơ học, cùng lúc cung cấp được luồng lưu thông máu lớn, vận hành bền bỉ, đáng tin cậy và tương thích với cơ thể người về mặt sinh học, không gây ra tình trạng cơ thể thải ghép nhờ ứng dụng chất liệu titanium.464499-1-En-35-Fig5-HTML.png
Thiết kế này gọi là mới hoàn toàn vì những thiết kế tim nhân tạo trước đây đều cố gắng bắt chước cách cơ tim đập, với những màng co giãn và van nối. Còn với TAH, trong vòng 8 ngày trước khi tiến hành cuộc phẫu thuật ghép tim, lồng ngực của bệnh nhân giấu tên có tiếng ro ro của cơ khí thay vì tiếng đập như trái tim bình thường.
Sau thử nghiệm lâm sàng kéo dài 8 ngày hồi đầu tháng 7, BiVACOR sẽ tiến hành những thử nghiệm lâm sàng khác, với mục tiêu tạo ra một quả tim cơ khí thay thế hoàn toàn cho các bệnh nhân suy tim, vận hành vĩnh cửu. Trên lý thuyết, thiết kế bơm maglev của TAH giúp ý tưởng tạo ra tim nhân tạo cơ khí vận hành vĩnh cửu hoàn toàn khả thi.
2024-07-28-image-7-j.webp
Một ví dụ cụ thể, những trái tim nhân tạo với kết cấu phụ tùng co giãn và dẻo thường chỉ có tuổi thọ 12 đến 18 tháng trước khi gặp trục trặc vì phải vận hành liên tục, tuổi thọ rơi vào khoảng 52 triệu lần đập. Còn thiết kế TAH với một máy bơm duy nhất, trên lý thuyết, có thể vận hành vĩnh viễn, không sợ bào mòn hay hư hỏng. Thêm nữa, năng lượng tiêu thụ của TAH cũng thấp hơn những tim nhân tạo khác đang có hiện nay, tức là tiềm năng thay thế vĩnh viễn cho bệnh nhân suy tim cũng cao hơn.
Không có một nghiên cứu khoa học nào về bệnh tim là quá sớm cả. Ngay ở thời điểm hiện tại, trên toàn thế giới có ít nhất 26 triệu người gặp các vấn đề về suy tim, riêng tại Mỹ là 6.2 triệu người trưởng thành. Còn những người được ghép tim chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ trong con số kể trên, mỗi năm toàn thế giới chỉ có chưa đầy 6 nghìn ca ghép tim. Viện sức khỏe quốc gia Mỹ ước tính, ngay ở thời điểm hiện tại, nếu TAH hay những thiết bị hỗ trợ tuần hoàn (VAD) được thương mại hóa, sẽ có khoảng 100 nghìn bệnh nhân ngay lập tức sẽ được cứu sống nhờ thiết bị này.
Sau thử nghiệm lâm sàng hồi đầu tháng 7, đã có thêm 4 tình nguyện viên đăng ký, chuẩn bị được ghép tim cơ khí của BiVACOR.

Nguồn: Tinhte.vn