10 nơi có thể chứa biển nước trong Hệ mặt trời và Dải ngân hà

Bao lâu nay các nhà nghiên cứu luôn đặc biệt quan tâm đến những hành tinh ngoài Trái Đất có nước ở dạng lỏng để tìm kiếm khả năng tồn tại của sự sống. Tuy có 70% bề mặt được bao phủ bởi nước, nhưng nước chỉ chiếm 0,2% khối lượng Trái đất. Ngược lại, một số hành tinh và vệ tinh có thể chứa tới 50% là nước, nghĩa là một đại dương ngầm có thể nằm sâu hàng trăm đến hàng ngàn km dưới bề mặt của chúng.

Europa


Trong sứ mệnh phóng tàu Galileo của NASA năm 1989, các nhà khoa học đã nhận ra vệ tinh Europa của Sao Mộc có thể sở hữu một đại dương lỏng bên dưới lớp băng của nó. Trong gần 8 năm quay quanh Sao Mộc, tàu Galileo đã quan sát được nhiều dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của nước bên trong, xuất phát từ các tương tác giữa Europa và từ trường Sao Mộc.
Vào năm 2030, tàu sứ mệnh Europa Clipper được phóng đi ngày 10/10/2024 sẽ tới Europa để xác định xem nơi này có thể tồn tại sự sống được không. Người ta rất quan tâm đến sự pha trộn của nước và đá sâu bên trong lòng Europa, nơi có thể tồn tại các chất dinh dưỡng hỗ trợ cho sự sống của vi khuẩn.
ve-tinh-europa-cua-sao-moc.jpg

Callisto


Là vệ tinh lớn thứ hai của Sao Mộc, bề mặt Callisto có nhiều hố va chạm nhất trong Hệ mặt trời, cho thấy nó không có bất kỳ hoạt động địa chất nào. Nhưng ở độ sâu khoảng 250 km, một đại dương nước mặn có thể đang tương tác với một lớp đá để tạo điều kiện cho sự sống ẩn sâu trong lòng vệ tinh. Ở ngoài cùng bầu khí quyển mỏng của Callisto, người ta còn phát hiện ra oxy.
ve-tinh-callisto-cua-sao-moc.jpg
Callisto cũng là bối cảnh của trò chơi sinh tồn Callisto Protocol, khi thảm họa sinh học xảy ra trong một nhà tù được tập đoàn UJC xây dựng để lưu đày những siêu tội phạm đến từ Trái đất.

Ganymede


Năm 2015, kính viễn vọng Hubble phát hiện ra Ganymede cũng có khả năng sở hữu một đại dương ngầm bên trong. Là vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc, Ganymede có cả từ trường riêng và tạo ra cực quang ở các cực từ của nó.
Khi quan sát cực quang của Ganymede, người ta thấy sự dao động của từ trường Ganymede khi nó tương tác với từ trường Sao Mộc có thể đã bị hạn chế bởi một đại dương lỏng bên trong.
ve-tinh-ganymede-cua-sao-moc.jpg
Đại dương của Ganymede được cho là dày 100 km, sâu gấp 10 lần vực Mariana trên Trái đất. Ganymede và nhiều vệ tinh khác của Sao Mộc có lẽ hình thành từ các vật chất tương tự nhau, điều này giải thích lý do vì sao chúng đều có đại dương ngầm.

Enceladus


Enceladus là vệ tinh nhỏ phủ băng của Sao Thổ. Nó có các miệng hố trên bề mặt phun nước và băng vào không gian, giúp cho con người có một cách lấy mẫu trực tiếp các vật chất từ trong lòng vệ tinh.
cac-gieng-phun-tren-ve-tinh-enceladus-cua-sao-tho.jpg
Nước và băng này được phun ra từ một đại dương bên trong. Năm 2005, tàu Cassini đã phát hiện những vật chất này phun ra từ bề mặt Enceladus với tốc độ 1.300 km/giờ. Các miệng hố thủy nhiệt được cho là cung cấp cho đại dương của vệ tinh những khoáng chất cần thiết cho sự sống.

Titan


Titan là vệ tinh lớn nhất của Sao Thổ, với bề mặt được bao phủ bởi các hồ, sông, biển, mây và mưa được cấu thành từ metan và etan. Dưới lớp vỏ băng, Titan được cho là có một đại dương nước lỏng, dường như là nơi có sự sống. Titan còn có nhiều đặc điểm phù hợp với sự sống, như có các quá trình địa chất và phong hóa diễn ra thường xuyên, cùng một bầu khí quyển dày.
cau-tao-du-kien-cua-ve-tinh-titan.jpg

TOI-1452 B


Năm 2022, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra ngoại hành tinh TOI-1452 B bằng cách sử dụng dữ liệu từ vệ tinh TESS của NASA. Hành tinh này cách chúng ta 100 năm ánh sáng và lớn hơn Trái đất 1,6 lần, đồng thời nặng gấp 5 lần Trái đất và 30% khối lượng này có thể cấu thành từ nước.
ngoai-hanh-tinh-toi-1452b-xoay-quanh-ngoi-sao-cua-no.jpg

LHS-1140 B


Mới đây vào tháng 7/2024, các nhà nghiên cứu sử dụng kính JWST khi quan sát bầu khí quyển trên ngoại hành tinh LHS-1140 B đã phát hiện thấy nó có thể duy trì một đại dương trên bề mặt. LHS-1140 B quay quanh một sao lùn đỏ nhỏ hơn Mặt trời 5 lần và cách Trái đất 48 năm ánh sáng.
Dữ liệu từ JWST tiết lộ nó có thể chứa từ 10%-20% nước lỏng và chỉ hướng đúng một mặt về phía ngôi sao của mình, giống kiểu của Mặt trăng. Nghiên cứu hiện tại cho thấy nó dường như là một khối cầu băng khổng lồ, với một đại dương nhỏ luôn hướng về phía ngôi sao lùn đỏ.
so-sanh-kich-thuoc-cua-lhs-1140b-voi-trai-dat.jpgLHS-1140 B lớn gấp 1,7 lần Trái đất.

Kepler-138 C và D


Hai hành tinh Kepler-138 C và Kepler-138 C cùng quay quanh một sao lùn đỏ nằm cách Hệ mặt trời 218 năm ánh sáng. Năm 2022, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chúng có thể chứa một tỷ lệ nước rất cao. Họ cho rằng có tới phân nửa số vật chất tạo nên 2 hành tinh này nhẹ hơn đá nhưng nặng hơn hydro hoặc heli, và nước là chất khả thi nhất.
so-sanh-cau-tao-giua-trai-dat-va-kepler-138-d.jpgSo sánh cấu tạo Trái đất và Kepler-138 D.

HAT-P-11 B


Năm 2014, người ta đã phát hiện ra hơi nước trên hành tinh HAT-P-11 B lớn bằng sao Hải Vương ở cách Trái Đất 124 năm ánh sáng. Ngoại hành tinh này quay một vòng quỹ đạo chỉ mất 5 ngày do nằm rất gần ngôi sao của nó. Đây là một thế giới siêu nóng với nhiệt độ bề mặt lên tới 530ºC, nó được cho là có lõi bằng đá cùng bầu khí quyển giàu hydro và hơi nước.
ngoai-hanh-tinh-hat-p-11-b-quay-quanh-ngoi-sao.jpg

K2-18 B


Năm 2019, hơi nước đã được phát hiện trong bầu khí quyển của một hành tinh có tên K2-18 B, một siêu Trái đất ở cách chúng ta 124 năm ánh sáng. Ngoại hành tinh này quay quanh một ngôi sao lùn đỏ và có khoảng cách vừa đủ để nước trên bề mặt tồn tại ở dạng lỏng. Nhưng người ta không chắc loại vật liệu cấu thành K2-18 B là đá cứng hay chỉ là chất lỏng và các loại khí.
ngoai-hanh-tinh-k2-18-b.jpgK2-18 B và ngôi sao lùn đỏ của nó.
Tuy một số hành tinh ngoài Hệ mặt trời có thể chứa nhiều nước và diện tích rộng lớn, nhưng chúng lại ở quá xa, vì vậy việc nhắm tới những vệ tinh nhỏ của Sao Mộc và Sao Thổ luôn thực tế hơn nhiều. Tàu Europa Clipper phóng đi tháng 10 năm nay sẽ cung cấp những thông tin mở đường cho hành trình tới Europa trong tương lai. Sau Mặt trăng và sao Hỏa, những vệ tinh này ắt hẳn sẽ là điểm đặt chân tiếp theo của con người.Theo [1], [2].

Nguồn: Tinhte.vn