Tổng quan về tai nghe và máy nghe nhạc.
FA19 có vỏ tai nghe làm bằng acrylic đen khói, trong suốt, có thể nhìn được các cụm driver và đường ống dẫn âm bên trong.
Phần eo ngay trước ống dẫn âm được thắt lại duyên dáng, chính cái chít eo này mà FA19 khi đeo vào cảm giác rất dễ, mình nghĩ nam hay nữ đeo con này cũng không gặp vấn đề gì.
Phụ kiện đi kèm gồm rất nhiều eartips, một bộ dây MMCX xịn, đầu jack 4.4mm và 3.5mm có thể tháo rời, có hộp da và vài công cụ để tháo dây và điều chỉnh chế độ nghe của tai nghe.
Em này có trở kháng 10 ohms và độ nhạy đạt 106dB. Nhìn số thì thấy rất dễ kéo, mình cắm vào Macbook Air M1 mở 60% volume là đã to đùng, tuy nhiên âm thanh của FA19 có vẻ sẽ được khai thác tốt nhất với một dac/amp tốt, hoặc máy nghe nhạc có âm thanh tương xứng, trong bài này thì mình dùng FiiO M23 mới vừa ra mắt.
Em này dùng combo 2 chip DAC AK4191EQ + AK4499EX cùng 4 module THX AAA 78+ amplifier, có Desktop Mode như KA17, công suất ra được tới 2W luôn.
Ngoài việc sử dụng như máy nghe nhạc, M23 có thể hoạt động như desktop DAC/amp, cho phép cấp thêm nguồn ngoài.
Em này cầm rất vừa tay, dễ sử dụng vì cảm ứng nhanh nhạy, hiển thị đẹp lung linh.
Chất âm của M23 thì mình chưa xuất line out ra dàn loa để nghe kiểm chứng được, chỉ dùng 2 con tai nghe là Audeze Euclid và FiiO FA19 để trải nghiệm thì thấy nó có tiếng rộng mở, siêu trong, trung âm trung tính, bass và treble khá thanh thoát.
Mình dùng M23, cài Apple Music và nghe trực tiếp nhạc lossless.
Chất lượng âm thanh
Đối với FiiO FA19, hãng và Knowles đã cùng nhau phát triển một mẫu driver BA cho dải trầm, bằng cách cải thiện dòng không khí xuất ra từ driver, cùng với việc sử dụng vỏ in 3D để tạo không gian riêng cho loa bass, kết hợp với ống dẫn S.Turbo nên năng lượng và tốc độ của bass được cải thiện và độ nổi khối làm mình rất rất phấn khích.
FiiO có vẻ khá tự tin với dải trung âm khi sử dụng dạng driver mid-range cổ điển Knowles ED, kết hợp notch filter để làm dải trung âm ở 1kHz và 3kHz được dày, rõ ràng hơn đồng thời loại bỏ các đỉnh bất thường của tần số 8kHz gây cảm giác chói gắt khi nghe vocal nữ hoặc nhạc cụ dải cao. Ngoài ra, cái notch filter này còn giúp tách biệt mid và treble (khoảng 3.5kHz), tạo điều kiện cho driver hoạt động tốt hơn ở các quãng tần số cụ thể.
Nút gạt Monitor/Hifi nằm phía sau tai nghe. So với FA9 thì FA19 không có 3 dải âm EQ để cá nhân hoá.
Âm thanh ở 2 chế độ này là hoàn toàn khác nhau. Monitor cho âm thanh cân bằng, cực kỳ nhanh, gãy gọn, giàu chi tiết, 3 dải âm đều có đủ lượng, đủ lực và khá khô. FA19 có kiểu treble giống K3003 nhưng thậm chí còn chi tiết và mịn hơn, bass cũng được thể hiện mạnh mẽ, dày dặn hơn so với AKG K3003 hay các tai nghe có cùng đặc tính âm thanh. Ở chế độ Hifi, FiiO sẽ đẩy upper bass lên một ít và đẩy sub-bass lên khá nhiều. Nó không làm cho dải sub-bass bị ù, đục, chỉ thêm một ít “hơi” mềm mại để nghe nhạc chậm, nhạc êm ái được vào tai hơn. Ngoài ra, tiếng treble ở mode Hifi có vẻ còn cháy hơn cả mode Monitor, tiếng treble trở nên dày hơn, có độ vang lâu hơn chế độ Monitor một cách rõ ràng.
Với cá nhân mình thì FA19 khi để chế độ Monitor là nghe hợp tai nhất, một thứ âm thanh mình đã mong đợi từ lâu. Tai nghe mà có kiểu âm như FA19 thì có thể liệt kê ra vài cái tên như AKG K3003, Sennheiser IE 100 Pro, IE 900, Noble Zephyr, Phonak 112 … mỗi con đều có sự khác biệt khá nhiều về âm thanh, nhưng tổng thể thì chúng đều là thiên sáng, chất tiếng trong trẻo và có tốc độ tốt, riêng FA19 có vẻ là có tốc độ và sự nổi khối của 3 bass-mid-treble ngoạn mục nhất.
Nguồn: Tinhte.vn