Trải nghiệm JBL Live Beam 3: tai nghe true wirless nhiều tính năng, nghe hay, pin lâu

Trong số các mẫu tai nghe không dây hoàn toàn mình được trải nghiệm gần đây, JBLLive Beam 3 cho mình một trải nghiệm nghe nhạc hay, chống ồn khá tốt và vô vàn tính năng để tuỳ chỉnh, đặc biệt là hộp sạc với màn hình tiện lợi làm mình thay đổi kha khá thói quen sử dụng tai nghe không dây hoàn toàn từ trước tới nay.
Kiểu dáng của JBL Live Beam 3 có thể nói là quen thuộc, nhưng nó lại vô cùng thoải mái, dù kiểu thiết kế theo dạng tai nghe in-ear + earbuds, nhưng Live Beam 3 không đem lại cho mình sự khó chịu dù là đeo nghe nhạc liên tục 2 tiếng đồng hồ.
Nhưng điều thú vị lại nằm ở chỗ Live Beam 3 có rất nhiều tính năng và cấu hình để tuỳ chỉnh cho nhiều thể loại nhạc khác nhau, pin trâu và khả năng đàm thoại tốt cũng là những điểm mình đánh giá cao mẫu tai nghe này của JBL. Có thể nói, xét về công nghệ và sự độc đáo, JBL Live Beam 3 đang làm tốt nhất trên thị trường hiện nay.

Hộp sạc trang bị màn hình cảm ứng, tinh chỉnh nhanh nhiều tính năng


Kể từ dòng Tour Pro 2, chúng ta đã thấy được tiềm năng của những mẫu tai nghe không dây hoàn toàn có trang bị màn hình trên hộp sạc, lúc đầu khi chưa sử dụng, mình nghĩ rằng nó sẽ không đem lại giá trị quá nhiều, nhưng bản thân mình đã lầm.

Đối với tai nghe không dây hoàn toàn hoặc về tai nghe nói chung, hiện chúng ta có hai cách để tương tác với nó: dùng app hoặc là chạm cảm ứng trên tai nghe. Cách mà JBL làm (màn hình trên hộp sạc) là khác biệt so với phần còn lại. Tương tự như Tour Pro 2, anh em có thể tinh chỉnh và xem nhiều thông tin về tai nghe mà không nhất thiết phải mở app (và thậm chí không cần cài app vẫn có thể chỉnh các tính năng có sẵn trên hộp sạc).jbl-live-beam3-tinhte-10.jpg
Có tổng cộng 14 tính năng hiển thị trên màn hình hộp sạc mà anh em có thể điều chỉnh. Nhưng cá nhân mình nghĩ, nếu JBL cho phép mình thay đổi vị tri các tính năng, hoặc tuỳ chỉnh thêm bớt các tính năng thì sẽ hay hơn, trong app, JBL cho phép người dùng tuỳ chỉnh tối đa 8 tính năng, nhưng chỉ là bật hoặc tắt, không có thay đổi được vị trí.
jbl-live-beam3-tinhte-07.jpg
Ngay tại màn hình, anh em có thể theo dõi nhanh dung lượng pin còn lại của cả hai tai nghe và hộp sạc, nó sẽ luôn hiển thị dù chuyển qua bất kì màn hình nào, nên dễ dàng theo dõi.
Khả năng cảm ứng của màn hình mình đánh giá là khá ổn, không quá nhạy nhưng cũng không đến nỗi có độ trễ quá cao.
jbl-live-beam3-tinhte-21.jpg
JBL cũng cho phép bạn tuỳ chỉnh hình nền, bạn có thể thay thế hình nền mặc định của hộp sạc thành hình của mình cũng được, mất khoảng 30 giây để upload và reboot lại hộp sạc.
jbl-live-beam3-tinhte-06.jpg
Nhưng nếu nói tính năng mà mình thích nhất thì chắc là tinh chỉnh nhanh EQ trên hộp sạc, nó thực sự tiện so với lại việc mở app ra chỉnh, bạn có thể định cấu hình EQ sẵn cho các nhu cầu nghe nhạc, sau đó chỉ cần chọn trên màn hình là được.
Tính năng Spatial Sound, chỉnh ANC cũng được đem lên màn hình để dễ thao tác, đó là lợi điểm lớn nhất của JBL so với các hãng còn lại.

Thiết kế tai nghe đeo lâu không bị đau, không rớt


So với mẫu tai nghe không dây hoàn toàn mà mình đang sử dụng trước khi chuyển qua Live Beam 3, nó có thiết kế nằm hẳn bên trong vành tai của mình, kiểu giống như các dòng Galaxy Buds trước đây. Còn với Live Beam 3, nó có phần thân tai nghe nằm ở bên ngoài vành tai của mình, đeo lâu cũng không gặp tình trạng khó chịu.
jbl-live-beam3-tinhte-04.jpg
Bản thân phần tai nghe cũng có trọng lượng rất nhẹ, mỗi bên tai chỉ là 5g, và dù có thiết kế không nằm gọn trong vành tai nhưng mà nó rất khó để rớt khỏi tai mình, dù mình có vận động mạnh đi chăng nữa thì nó vẫn chắc chắn trên tai.
jbl-live-beam3-tinhte-09.jpg
Chúng ta cũng có thể thao tác trên tai nghe, bạn có thể tuỳ chỉnh thao tác cảm ứng trong app, mặc định thì bên trái sẽ là chỉnh các chế độ chống ồn, bên phải là play/pause nhạc.

Chất lượng âm thanh từ JBL Live Beam 3

jbl-live-beam3-tinhte-13.jpg
Đầu tiên, chất lượng âm thanh của JBL Live Beam 3 không bị thay đổi khi bạn bật và tắt chế độ chống ồn. Đây là điều rất quan trọng với một chiếc tai nghe true wireless có khả năng chống ồn chủ động.
Mình lấy ví dụ với chiếc tai nghe mình đang dùng, mỗi khi mình bật chế độ chống ồn và tắt nó đi, chất lượng âm thanh cho ra là khác nhau, đủ để mình có thể nhận ra được. Và đáng buồn là khi mình bật chống ồn, âm thanh lại không hay bằng khi tắt chống ồn, thế là hầu hết quãng thời gian mình nghe nhạc với nó, mình đều tắt chống ồn.

Đó sẽ là sự lãng phí khi bạn đã mua một chiếc tai nghe chống ồn, nhưng bạn lại không sử dụng chế độ chống ồn, vì thực sự đôi khi chúng ta cần đến chống ồn chủ động, ví dụ khi đi tàu xe, ngồi máy bay….jbl-live-beam3-tinhte-12.jpg
Với một mẫu tai nghe như JBL Live Beam 3, thiên hướng âm thanh mà JBL luôn có thế mạnh là sự sôi động, vui vẻ, trong và khá sáng. Chính vì vậy mà JBL Live Beam 3 sẽ rất phù hợp với các bài nhạc EDM, hip hop, pop, những bài hát có nhịp độ nhanh.
jbl-live-beam3-tinhte-16.jpg
Cá nhân mình thì mình nghe rất nhiều thể loại nhạc khác nhau, và sau khi tinh chỉnh lại một chút và tận dụng các profile EQ, mình cảm thấy hài lòng hơn với các thể loại nhạc mà mình nghe.
Cảm nhận của mình so với mẫu TWS mình đang dùng thì âm thanh của JBL Live Beam 3 đem lại là chi tiết hơn, sáng, trong trẻo và rõ ràng. Mình thích nhất dải âm mid và high trên Live Beam 3, nó thể hiện rõ ràng và đúng ý muốn của mình nhất khi nghe các bản nhạc trữ tình của Việt Nam, tiếng nhạc cụ trong dàn nhạc của buổi hoà nhạc tái tạo lại tốt hơn.
jbl-live-beam3-tinhte-03.jpg
Ngoài nhạc trữ tình Việt Nam, cá nhân mình còn nghe pop, rock, EDM thì JBL Live Beam 3 phần nào đều giúp mình thoả mãn. Riêng âm bass, đặc biệt là sub bass thể hiện ở mức tròn vai, chưa thực sự quá xuất sắc nhưng chúng ta có thể cải thiện thêm qua việc tinh chỉnh EQ để nó có thể xuống sâu nhất có thể.

Ứng dụng JBL Headphones, thứ giúp cho Live Beam 3 thể hiện xuất sắc hơn


Với ứng dụng JBL Headphones và cách riêng với dòng Live Beam 3 này, chúng ta sẽ có thể tinh chỉnh được một số tính năng chính sau:

  • Các chế độ ANC.
  • Hi-Res Audio.
  • Personi-Fi.
  • EQ, Adaptive EQ.
  • Personal Sound Amplification.
  • Spatial Sound.
  • VoiceAware.

Screenshot 2024-08-03 at 14.47.31.png
JBL Live Beam 3 có hỗ trợ codec LDAC để bạn có thể nghe nhạc ở độ phân giải cao hơn, nhưng khi bật Hi-Res Audio anh em sẽ phải hy sinh các tính năng còn lại.
Screenshot 2024-08-03 at 14.47.59.png
Spatial Sound sẽ cho phép bạn trải nghiệm các bản nhạc EDM với nhiều hiệu ứng âm thanh chạy xung quanh, các buổi hoà nhạc, để bạn có thể cảm nhận được phần nào dụng ý của các nghệ sĩ khi thể hiện tác phẩm của họ.
Personi-Fi sẽ cung cấp cho chúng ta bài test về âm thanh theo tai của mỗi người. Sau khi test sẽ có kết quả về thính lực và khả năng nghe các dải âm theo từng tai cũng được JBL mô tả chi tiết và JBL App sẽ tự động điều chỉnh để bạn có trải nghiệm nghe tốt nhất (Click vào ký hiệu chức năng để nghe sự khác biệt trước và sau test).
jbl-live-beam3-tinhte-19.jpg
Đây là kết quả test của mình, điều kiện là anh em phải ngồi trong phòng yên tĩnh một chút, làm theo hướng dẫn. Theo trải nghiệm của mình, với kết quả test này thì tai trái của mình sẽ nghe được âm bass tốt hơn tai phải, vì vậy tai nghe sẽ đẩy phần bass nhiều hơn về bên trái, các dải âm còn lại thì đẩy về bên phải.
Về phần EQ, mặc định sẽ có 6 profile mà bạn có thể chọn nhanh, nhưng nếu bạn chưa ưng ý, bạn có thể custom thêm. JBL cho bạn 10 dải tần để tinh chỉnh, chia ra ở 3 dải chính: Low, mid và high, tương đương với các dải âm trầm, trung và cao.
Ở đây sẽ tuỳ vào dòng nhạc, tuỳ vào sở thích của bạn để có thể tinh chỉnh làm sao cho phù hợp, ví dụ bạn thích nghe bass nhiều hơn, hoặc bạn muốn nổi bật hơn giọng của ca sĩ, hoặc bạn thích nghe chi tiết tiếng các nhạc cụ như guitar, sáo, saxophone…bạn sẽ kéo từng dải phù hợp.

JBL Live Beam 3 hỗ trợ đàm thoại tốt

jbl-live-beam3-tinhte-20.jpg
Với một mẫu tai nghe có đến 6 microphone, JBL Live Beam 3 hỗ trợ đàm thoại thực sự tốt, và có nhiều tính năng để tối ưu cho chất lượng hội thoại. Thích nhất có lẽ là tính năng Private Call Mode, dùng một bên tai nghe làm microphone và khả năng lọc ồn của nó thực sự làm mình rất ấn tượng.
VoiceAware sẽ là tính năng điều chỉnh âm lượng tone giọng của chính bạn trong cuộc gọi, sẽ có 3 nấc chỉnh: low, mid và high.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chỉnh tone giọng của chính mình cho người ở đầu bên kia hoặc tone giọng của người đầu bên kia cho mình qua các tính năng tối ưu tone giọng.

Pin

jbl-live-beam3-tinhte-29.jpg
Với nhu cầu nghe nhạc của mình trung bình mỗi ngày khoảng 2 tiếng, cộng với thời lượng pin của hộp sạc và tai nghe, mình có thể nghe trong vòng 1 tuần mới cần phải sạc lại. Đối với mình, như vậy là quá đủ cho một mẫu tai nghe không dây hoàn toàn.
Anh em quan tâm sản phẩm có thể xem thêm tại đây.

Nguồn: Tinhte.vn